Tình trạng chậm phát triển ở trẻ có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh sức khoẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này có thể gây ra các trở ngại lớn cho việc hoàn thiện các kỹ năng của trẻ nhỏ, bao gồm vận động, nhận thức, ngôn ngữ hoặc tầm nhìn.
1. Chậm phát triển ở trẻ nhỏ là gì?
Tình trạng chậm phát triển ở trẻ xảy ra khi bé bị tụt lại đằng sau so với các bạn đồng trang lứa trong một hoặc nhiều lĩnh vực về mặt cảm xúc, thể chất hoặc tinh thần. Nếu trẻ bị chậm phát triển, việc điều trị bệnh sớm là cách tốt nhất giúp bé tiến bộ và bắt kịp với những đứa trẻ khác.
Thực tế, có nhiều dạng chậm phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bao gồm các vấn đề sau đây:
- Thị lực hoặc tầm nhìn.
- Ngôn ngữ hoặc lời nói.
- Kỹ năng vận động.
- Kỹ năng tư duy – nhận thức.
- Kỹ năng xã hội – tình cảm .
Đôi khi, sự chậm phát triển đáng kể ở trẻ có thể xảy ra ở hai hoặc nhiều lĩnh vực trên. Tình trạng này thường được gọi là chậm phát triển toàn diện (GDD), chủ yếu đề cập đến trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo đến 5 tuổi có dấu hiệu chậm phát triển kéo dài ít nhất 6 tháng.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt được rằng chậm phát triển ở trẻ không giống với khuyết tật phát triển. Tình trạng khuyết tật phát triển thường bao gồm các vấn đề như khiếm thính, bại não hoặc rối loạn phổ tự kỷ, có xu hướng kéo dài suốt đời.